Trang chủ >

Chăm sóc răng trẻ em

Chăm sóc răng trẻ em

Chăm sóc sức khỏe răng miệng cho trẻ em là một trong những nền tảng cần xây dựng để trẻ có cơ hội có hàm răng khỏe mạnh suốt đời. Do vậy, trẻ em cần được đi khám răng định kỳ ngay từ khi hình thành bộ răng sữa để được các bác sỹ chuyên sâu về răng trẻ em tư vấn về các chiến lược dự phòng, đánh giá nguy cơ các bệnh răng miệng, từ đó có kế hoạch can thiệp phù hợp và đúng thời điểm.

1. Sâu răng

Sâu răng là bệnh lý răng miệng phổ biến nhất ở trẻ nhỏ. Sâu răng chia thành hai giai đoạn: sâu răng sớm chưa hình thành lỗ sâu và đã hình thành lỗ sâu. Từ đó can thiệp sâu răng cũng chia thành: dự phòng và điều trị.

a/ Với sâu răng chưa hình thành lỗ sâu, đây là giai đoạn khó nhận biết nếu trẻ không được thăm khám nha khoa định kỳ. Nếu được can thiệp trong giai đoạn này, răng sẽ duy trì được cấu trúc tự nhiên, đảm bảo tính thẩm mỹ của men răng và chi phí can thiệp tối thiểu.

Các biện pháp dự phòng sẽ bao gồm: Sử dụng Varnish fluor tái khoáng hóa men răng, Sealant trám bít hố rãnh dự phòng sâu răng. Đây đều là những biện pháp nhẹ nhàng, can thiệp tối thiểu, hoàn toàn không đau, mọi trẻ đều dễ dàng chấp nhận. Ngoài ra, nha sỹ sẽ tư vấn thêm cho gia đình về chế độ ăn uống, cách chải răng, cách chăm sóc răng miệng tại nhà, thời gian tái khám định kỳ.

Với những biện pháp đơn giản vậy nhưng lại đem lại hiểu quả tối ưu, lý tưởng là sẽ giữ cho trẻ được hàm răng sữa khỏe mạnh hoàn toàn cho đến khi trẻ thay răng vĩnh viễn.

b/ Với sâu răng đã hình thành lỗ sâu, đây là giai đoạn mà phụ huynh đã có thể nhận biết được khi tự kiểm tra cho trẻ với các dấu hiệu: có lỗ sâu trên răng bị nhét kín bởi thức ăn, cũng có thể thấy lỗ sâu đổi màu đen,…Lúc này, nên đưa trẻ đi khám nha khoa ngay lập tức để được điều trị. Tùy vào tình trạng khi khám mà bác sỹ sẽ có các chỉ định phù hợp bao gồm:

-          Sử dụng thuốc Silver Diamine Fluoride (SDF) làm dừng tiến triển sâu răng, áp dụng trên những trẻ quá nhỏ hoặc chưa hợp tác với các điều trị nha khoa có sử dụng máy móc can thiệp.

-          Hàn răng bằng các loại cement nha khoa phù hợp, phục hồi lại phần tổ chức răng đã bị phá hủy, áp dụng với những lỗ sâu nhỏ.

-          Chụp tiền chế (chụp thép/ chụp sứ) phục hồi lại tổ chức răng đã bị phá hủy, áp dụng với những sâu răng lớn, mất nhiều tổ chức răng.

Ở giai đoạn sâu răng đã hình thành lỗ sâu, phụ huynh còn cần lưu ý thêm là: men và ngà răng của trẻ em rất mềm nên dễ tiến triển thành bệnh lý tủy răng với các dấu hiệu : đau khi ăn hoặc tự nhiên, viêm hoặc áp xe ở vùng lợi chân răng, hoặc cũng có khi không có dấu hiệu gì nhưng bác sỹ sẽ phát hiện dựa trên phim Xquang. Khi đó, bác sỹ sẽ chỉ định điều trị tủy và phục hồi lại thân răng cho trẻ.

2. Thói quen xấu

Thói quen xấu trong nha khoa là những thói quen ở trẻ em gây ảnh hưởng xấu tới sự phát triển cung răng và xương từ đó ảnh hưởng thẩm mỹ khuôn mặt. Đây đều là những thói quen bố mẹ dễ phát hiện và có thể giáo dục để trẻ từ bỏ thói quen. Tuy nhiên, hầu hết thói quen này đều khó từ bỏ và cần sự giúp đỡ của bác sỹ nha khoa cùng các khí cụ kèm theo đã giúp trẻ từ bỏ thói quen, trả lại môi trường phát triển bình thường của xương và cung răng.

a/ Mút môi:

Trẻ mút môi dưới có môi dưới nằm gọn giữa các răng cửa trên và dưới. Thói quen này lâu dài làm răng cửa trên ngả môi, răng cửa dưới ngả lưỡi và mọc chen chúc, độ chìa của răng lớn, xương hàm dưới kém phát triển.

Trẻ mút môi trên thường kết hợp với đẩy hàm dưới ra trước gây nên khớp cắn ngược.

Để bỏ thói quen này, trẻ phải được luyện tập và bác sỹ sẽ hỗ trợ can thiệp bằng khí cụ lip bumper.

b/ Mút ngón tay:

Mút ngón tay là thói quen hình thành từ sự phản xạ của trẻ ngay từ khi sinh ra. Phần lớn trẻ đều mút ngón tay vào một giai đoạn ngắn trong quá trình phát triển và tự từ bỏ được thói quen này trước 4-5 tuổi. Tuy nhiên, nếu thói quen này kéo dài, không được loại bỏ sẽ gây ra sự lệch lạc trong quá trình mọc răng, thường thấy nhất là răng cửa trên nghiêng về phía môi, răng cửa dưới nghiêng về phía lưỡi, khớp cắn phía trước hở, hàm trên bị hẹp ngang do tăng trương lực cơ môi má.

Để bỏ thói quen này, sẽ có nhiều phương pháp điều trị khác nhau được kết hợp: nhắc nhở, khen thưởng và các khí cụ phức tạp.

c/ Đẩy lưỡi:

Đẩy lưỡi là thói quen xấu trong quá trình nuốt của trẻ, tư thế lưỡi đặt không đúng vị trí – thấp về phía sàn miệng. Khi có thói quen xấu này, răng cửa hai hàm thường nghiêng về phía môi, cắn hở phía trước, hàm trên có thể bị hẹp ngang.

Để từ bỏ thói quen này thì thường phức tạp hơn, bác sỹ sẽ hướng dẫn cho trẻ cách nuốt và tư thế đặt lưỡi đúng, đồng thời có thể kết hợp với khí cụ Bluegrass ở giai đoạn đầu để trẻ nhanh định hướng được vị trí lưỡi.

Trên đây, chỉ là một trong rất nhiều thói quen xấu thường gặp ở trẻ nhỏ mà phụ huynh có thể dễ dàng nhận biết. Khi gặp tình trạng này nên đưa trẻ đến khám nha khoa để được bác sỹ tư vấn cụ thể và có hướng điều trị thích hợp.

3. Theo dõi quá trình răng mọc ở trẻ

Như chúng ta đã biết, mỗi người đều có hai bộ răng khác nhau. Răng sữa hình thành từ khi trong bụng mẹ đến khoảng 30 tháng tuổi gồm có 20 chiếc răng. Răng vĩnh viễn có khoảng 28-32 chiếc răng. Để biết quá trình hình thành răng của con trẻ có diễn ra bình thường, cha mẹ nên chú ý các mốc thời gian sau:

-          Mốc 1: từ 6 – 7 tháng tuổi là thời điểm những chiếc răng sữa đầu tiên mọc

-          Mốc 2: từ 21 – 30 tháng tuổi thì 20 chiếc răng sữa mọc đủ

-          Mốc 3: từ 6 – 7 tuổi là thời điểm các răng sữa đầu tiên bắt đầu thay và các răng vĩnh viễn ở phía sau cũng bắt đầu mọc

-          Mốc 4: Khoảng 12 tuổi lúc đó tất cả răng sữa đã  thay xong và trẻ sẽ có đủ 28 răng (đến tuổi trưởng thành – 18 tuổi thì các răng khôn bắt đầu mọc)

Ở 4 thời điểm chính này chúng ta theo dõi nếu thấy có vấn đề rối loạn về thời gian mọc răng thì cần cho trẻ đến khám tại các phòng khám chuyên khoa để các bác sĩ xác định hiện tượng như thế là bình thường hay là có bất thường. Vì thời điểm mọc răng của từng trẻ không giống nhau cho nên việc chẩn đoán là bất thường hay bình thường là do bác sĩ nha khoa chuẩn đoán và sẽ tư vấn cho gia đình các cách điều trị phù hợp.

4. Thế mạnh tại TNA

“Trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ”, chính vì vậy để có thể điều trị được những vấn đề về Răng trẻ em, bác sỹ không những cần có hiểu biết, kiến thức mà còn cần có kỹ năng giao tiếp với trẻ em.

Tại TNA chúng tôi có đội ngũ bác sỹ giàu kinh nghiệm về điều trị Răng trẻ em cùng với sự hỗ trợ của trang thiết bị hiện đại nhất sẽ giúp con bạn có hàm răng khỏe mạnh.

Nếu có vấn đề gì cần giải đáp, xin gọi ngay cho chúng tôi theo số 0246.29.29.315

Hoặc đăng ký tư vấn, chúng tôi sẽ trả lời trong thời gian sớm nhất